Sự Tĩnh Lặng
Người ta không thể lắng nghe âm thanh của một đối tượng nếu không có sự im lặng để nghe. Người ta không thể hiểu được âm thanh ấy là gì nếu tâm trí không cung cấp tín hiệu để giải mã thông tin. Và người ta không thể cảm nhận được tín hiệu ấy nếu như không có tín hiệu phát ra. Phải chăng, trong giữa sự ồn ào và náo động, tĩnh lặng đã bị giết chết trong vô thức của bản ngã? Chính trong những "cái chết" của tâm thức, người ta mới nhận ra sự sống tiềm tàng và đầy giá trị của thinh lặng.
Nếu hỏi một Đan sĩ hay một triết gia, điều gì quan trọng nhất trong đời sống của họ, chắc hẳn câu trả lời sẽ là sự tĩnh lặng – một kho tàng vô giá, ngút ngàn và tràn đầy. Thế giới tĩnh lặng là một căn phòng vô giá mà không ai có thể chiếm đoạt được. Căn phòng ấy là nơi nghỉ ngơi, là chốn suy ngẫm, là nơi ta đối diện với chính mình và thầm thì với Đấng Vô hình, Đấng Tạo Hóa.
Thinh Lặng Là Gì?
Thinh lặng có phải là không nói? Có phải là không có âm thanh? Thưa không, thinh lặng không đơn giản chỉ là thiếu vắng âm thanh. Nó dần trở thành một phạm trù mà cái tĩnh lặng bên ngoài không thể mang đến.
Trước tiên, thinh lặng giống như tiếng vang vọng lại của tiếng động. Có thể nhiều người không đồng ý với tôi, nhưng qua hình ảnh giọt nước mưa rơi xuống mặt hồ, ta thấy mặt hồ gợn sóng rồi lan tỏa, dần dần nhẹ nhàng và bao trùm. Giọt nước ấy hòa vào cõi thinh không và rồi biến mất, nhưng lại để lại dấu ấn riêng biệt. Khi cơn mưa rơi xuống, hàng triệu giọt nước nhỏ không thể tách biệt, nhưng chính sự giao thoa giữa âm thanh và thinh lặng mang lại một sự hiểu biết sâu sắc hơn về đối tượng ta đang đối diện.
Vậy thì, thinh lặng chính là chìm đắm trong hành động, là ẩn tàng trong cái ồn ào của cuộc sống. Nó là đi vào chiều sâu của vấn đề, là đón nhận mọi sự trong cái tổng quan bao la của nó. Giống như giọt nước tan vào mặt hồ, ta hòa mình vào âm vang của vấn đề để cảm nhận và hòa nhịp cùng đối tượng. Khi đứng trước một ngọn núi hùng vĩ hay một hang động, chỉ cần một tiếng động nhỏ, âm thanh sẽ khuếch tán và vọng lại hàng nghìn âm thanh khác nhau. Âm vang ấy là sự truyền dẫn của âm thanh chủ, dù dần dần mất hút nhưng vẫn mang theo dấu ấn của âm thanh ban đầu.
Tĩnh Lặng Là Giai Điệu Của Sự Bình An
Tĩnh lặng không phải chỉ là một khoảnh khắc tạm bợ. Nó giống như một bản nhạc hòa tấu, vang dần và rồi trở về với sự tiềm tàng trong chính mình. Tĩnh lặng là một yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ tình trạng nào. Nếu người ta nhìn thấy một sự kiện diễn ra liên hồi, đôi khi họ cảm thấy chán nản, nhưng chính trong sự tĩnh lặng, mọi sự vật lại hiện lên với vẻ đẹp tinh tế. Tĩnh lặng là ngòi bút của tạo hóa, vẽ nên những bức tranh đẹp hơn, giá trị hơn.
Mọi sự vật đều có sự tĩnh lặng riêng. Một bức tranh sống động không thể thiếu những khoảng lặng trong đó. Chính trong những khoảnh khắc tĩnh lặng này, con người có thể nhận thấy giá trị thực sự của sự vật, của hiện tượng, qua suy gẫm và đánh giá sâu sắc.
Tĩnh lặng, là thanh âm của sự bình an. Tại sao lại có âm thanh trong sự tĩnh lặng? Nhiều người tự hỏi liệu sự tĩnh lặng có mang âm thanh? Sự bình an mang trong mình một giai điệu mà thế gian này không thể diễn tả thành lời. Đây là âm thanh của sự tĩnh lặng, một bản hòa tấu không lời mà con người muốn đạt đến, một sự bình an không chỉ tạm bợ, mà là hoàn hảo.
Tĩnh Lặng Trong Niềm Tin
Trong thiền Phật giáo, con người tìm kiếm một cõi thinh không, một không gian vô định, nơi họ có thể thả trôi mọi thứ và đạt đến sự an tĩnh tuyệt đối. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dễ dàng đạt được trạng thái này. Những nỗ lực của con người vẫn thường chỉ đạt đến mức độ nhất định, vì sự tĩnh lặng này là một hành trình dài, một cuộc hành trình khám phá chính bản thân.
Với niềm tin Kitô giáo, tĩnh lặng là cuộc trò chuyện thân mật với Thiên Chúa. Dù không thể nói thành lời, sự bình an của tĩnh lặng mang đến cho con người một tương quan thân thiết với Đấng Tạo Hóa. Con người là tạo vật từ đất, và khao khát gặp gỡ Đấng đã tạo ra mình. Khi gặp được Đấng ấy, có một âm thanh thinh lặng, thanh âm của sự bình an, vượt lên tất cả sự ồn ào của thế gian.
Tĩnh Lặng Là Âm Thanh Của Tình Yêu
Một khi chúng ta yêu, ta không cần phải lên tiếng. Tình yêu không nhất thiết phải được thể hiện bằng lời nói; nó có thể được cảm nhận qua ánh mắt, cử chỉ, và thái độ. Trong tình yêu, Thiên Chúa không cần phải lên tiếng để bày tỏ tình yêu của Ngài. Sự tĩnh lặng của Ngài chính là sự yêu thương sâu sắc nhất, thâm trầm nhất.
Thế giới càng ồn ào, càng làm nổi bật sự tĩnh lặng của Thiên Chúa. Ngài không cần lời nói, nhưng tình yêu của Ngài thấm sâu vào trong tâm hồn chúng ta. Sự tĩnh lặng trong Thiên Chúa không chỉ là sự im lặng, mà là sự hiện diện của tình yêu vô biên.
Tĩnh Lặng Trong Đức Kitô
Đức Kitô là mẫu gương tuyệt vời của sự tĩnh lặng. Ngài đã phá tan những tiếng la ó và sự chế giễu khi Ngài bị kết án. Ngài để tất cả những yếu tố bên ngoài đưa đến chỗ tuyệt vọng và cái chết, nhưng trong sự tĩnh lặng của Ngài, Ngài vẫn là Sự Sống thật. Sự sống ấy đã lan tỏa qua cái chết trên Thập Giá, và dòng nước trường sinh phát sinh từ cạnh sườn Ngài, trở thành nguồn sống cho Hội Thánh.
Hội Thánh phát sinh từ sự chiêm nghiệm thâm sâu của Đức Kitô, qua sự tĩnh lặng đến hy sinh chính mạng sống của Ngài. Hội Thánh có sứ mạng đi vào sự thinh lặng tuyệt đối, đi vào tương quan đích thực với Đức Kitô. Chính trong sự tĩnh lặng ấy, Đức Kitô cầu nguyện và phó thác tất cả trong tay Cha Ngài.
Tĩnh lặng chính là hành vi của sự trông cậy, một sự trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng tạo ra và yêu thương chúng ta vô điều kiện.
Nhận xét
Đăng nhận xét